Hải tặc thế kỷ XXI

Posted by Posted by HOA QUẢ SƠN On Thứ Tư, tháng 3 25, 2009


Hải tặc tồn tại trong mọi thời và ở rất nhiều nơi. Thế nhưng từ hơn một năm nay những tên cướp biển quả thực đã làm dậy sóng trên các phương tiện thông tin đại chúng bởi những phi vụ táo tợn của chúng. Vấn đề cướp biển đã được nguyên thủ các quốc gia và Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc (LHQ) thảo luận không chỉ một lần.

Chính hải tặc đã là nguyên nhân khiến LHQ trong năm 2008 đã bắt buộc phải cho phép tàu quân sự của nhiều quốc gia tuần tra trong khu vực vịnh Aden. Những công ty vệ sĩ tư nhân làm dịch vụ bảo vệ tàu biển và hàng hóa có cơ hội bột phát. Thế nhưng, tình hình không trở nên khả quan hơn vì các vụ hải tặc tấn công các con tàu chở hàng vẫn tiếp diễn, đặc biệt là tại vùng Sừng châu Phi.

Theo thống kê của Tổ chức Tàu biển Quốc tế (International Maritime Bureau), chỉ tính riêng trong năm 2008 đã có tới 49 con tàu bị hải tặc chiếm đoạt (năm 2007, con số này là 18), cộng thêm với 46 con tàu đã bị hải tặc truy đuổi. Tổng cộng trong năm 2008, hải tặc đã 139 lần sử dụng hỏa lực (năm 2007, con số này là 72). 889 thành viên các thủy thủ đoàn đã bị bắt làm con tin trong năm 2008, 32 người bị thương, 11 người bị giết, 29 người mất tích.

Trong năm 2008, tổng cộng đã có 293 lần hải tặc tấn công các con tàu (năm 2007, con số này là 263). Tình hình đầu năm 2009 cũng không sáng sủa gì hơn. Tính tới trung tuần tháng 3/2009, hải tặc đang giữ 15 con tàu của các nước khác nhau để đòi tiền chuộc. Trước đó, chúng đã nhận được 3 triệu USD tiền chuộc cho con tàu chở dầu mỏ Sirius Star của Arab Saudi, bị chúng bắt làm con tin từ ngày 15/11/2008.

Hải tặc cũng đã nhận được 3,2 triệu USD tiền chuộc cho con tàu chở vũ khí Faina của Ucraina, bị chúng bắt cóc từ ngày 25-9-2008… Theo một thống kê có thể chưa đầy đủ, tổng số tiền mà chính phủ các quốc gia đã trả cho hải tặc để chuộc lại các con tàu bị chúng bắt cóc lên tới trên dưới 30 triệu USD…

Khu vực gia tăng mạnh mẽ nhất các hoạt động của hải tặc là hải phận Somalie và vịnh Aden. Tại đây trong năm 2008 đã xảy ra 111 vụ cướp biển. Lần đầu tiên trong lịch sử hải tặc đã đoạt được cả một con tàu chở dầu khổng lồ và một con tàu chất đầy xe tăng. Những tên cướp biển trong hải phận Somalie tấn công đủ các loại tàu, kể cả những con tàu có tốc độ di chuyển cao. Những tên cướp biển đầu thế kỷ XXI đang được trang bị và huấn luyện hơn hẳn đồng bọn thế hệ trước. Một trong những điểm nguy hiểm nhất là vùng ven biển Nigeria (40 vụ cướp biển cộng thêm với khoảng gần 100 vụ tấn công của cướp biển sở tại nhưng chưa được thống kê chính thức).

Trong danh sách những nơi có nguy cơ cướp biển cao còn có vùng lãnh hải gần Bangladesh và Tanzania. Tuy nhiên, ở những địa điểm này hải tặc chỉ tấn công những con tàu đang neo đậu. Cũng trong thời gian này, cướp biển ở vùng lãnh hải Indonesia có vẻ như đã suy giảm tiềm lực và bớt quấy phá hơn trước (năm 2008 tại đây chỉ có khoảng 28 vụ cướp biển tấn công, trong khi năm 2003, con số này là 121). Tại eo biển Malacka cũng đã giảm số lượng các vụ cướp biển: Trong năm 2008 chỉ có hai vụ, trong khi năm 2007 đã có tới 7 vụ…

Các số liệu thống kê trên chỉ tính tới những vụ việc được các chủ tàu báo cáo chính thức. Trong thực tế, như các chuyên gia trong lĩnh vực này nhấn mạnh, danh sách chính thức chỉ chứa đựng khoảng từ 10 tới 20% những vụ hải tặc tấn công. Nguyên do là vì các chủ tàu và chủ hàng thường muốn tự mình thương lượng với hải tặc và trả cho chúng tiền chuộc hơn là nhờ cậy ở các cơ quan nhà nước.

Nói một cách công bằng, các chủ tàu và các chủ hàng không tin tưởng hoàn toàn vào năng lực của chính quyền trong việc giải quyết vấn đề cướp biển (hơn nữa, chí phí cho mỗi chuyến chở hàng thường ở mức từ 10 nghìn USD trở lên và rẻ nhất là đích thân thương thuyết với hải tặc để chuộc lại con tàu đã bị lọt vào tay chúng). Hơn nữa, khi con tàu bị hải tặc cầm giữ, mặc nhiên sẽ gia tăng giá trị của các bản hợp đồng bảo hiểm: Theo đánh giá của Công ty BGN Risk, hải tặc Somalie đã làm gia tăng giá trị của các phi vụ bảo hiểm tàu biển từ 500 USD năm 2007 lên tới 20 nghìn USD năm 2008.

Ngoài ra, các nhân viên bảo hiểm có thể đòi hỏi các chủ tàu phải trang bị cho các con tàu chở hàng những phụ trợ tân tiến hơn. Thứ ba, nếu thông tin về các vụ cướp biển bị tiết lộ ra ngoài thì uy danh của các công ty tàu biển cũng bị suy giảm nghiêm trọng. Trong bất luận trường hợp nào, việc rò rỉ thông tin về các vụ tàu bị cướp đều không mang lại lợi lộc gì cho các chủ tàu. Và vì thế, nếu tàu của họ bị cướp, họ thường "ngậm bồ hòn làm ngọt"…

Đại đa số các nguồn tin phân tích tình hình cướp biển hiện đại đã đưa ra bức tranh như sau về thủy nạn này trong thế kỷ XXI: Nhóm hải tặc thứ nhất là những tội phạm bình thường chuyên nghề trộm cắp thứ này hay thứ khác. Nhóm thứ hai là các thành viên của những tổ chức tội phạm bài bản, biết cách tiến hành những phi vụ phức tạp và biết cách phân chia những thứ đã cướp được (phần lớn những nhóm này đồn trú tại khu vực Đông Nam Á, một số nhóm dạng này nằm trong Hội Tam Hoàng khét tiếng). Nhóm thứ ba bao gồm những phần tử nằm trong các tổ chức bán quân sự, đôi khi lại có cả "danh chính ngôn thuận": thường đó là các tổ chức vũ trang do những viên đầu lĩnh giang hồ, cần những khoản thu nhập cố định để duy trì quyền lực và quyền kiểm soát một khu vực lãnh thổ nào đó - những nhóm hải tặc như thế hiện nay đang là đa số ở vùng lãnh hải Somalie và Indonesia. Đôi khi chúng còn sử dụng cả những canô hay tàu thuyền tuần tra thuộc về các tổ chức hải quan hay giống những phương tiện mà các cơ quan hải quan chính danh của các quốc gia sử dụng…

Đại đa số các cuộc tấn công của hải tặc thường diễn ra trong đêm, khi trực chiến trên các con tàu chỉ là một số ít thủy thủ và tàu cũng đi với tốc độ chậm hơn bình thường. Các cuộc tấn công của hải tặc cũng rất khác nhau. Có khi hải tặc chỉ leo lên các con tàu và trấn lột két sắt cũng như ví tiền của thủy thủ đoàn rồi biến đi mất tăm tích. Thu nhập nhờ những hành vi như thế thường ở mức trên dưới 20 nghìn USD. Cách hành xử thứ hai của hải tặc là không chỉ cướp tiền bạc của thuỷ thủ đoàn mà còn cướp cả hàng hóa.

Để làm được việc này, hải tặc phải đưa tàu vào một bến đậu nào đó, nơi chúng có những mối quan hệ cần thiết để tẩu tán hàng hóa. Thu nhập từ những phi vụ như thế cao hơn nhiều, số tiền thu lại được từ việc bán tống bán tháo hàng hóa có thể lên tới hàng trăm nghìn USD. Trong trường hợp thứ ba, hải tặc giữ các con tàu chở hàng lại, bắt thủy thủ đoàn cũng như hành khách lại làm con tin và rồi sau đó đòi tiền chuộc ở chủ tàu. Số tiền chuộc mỗi lúc mỗi khác và thường không được công bố rộng rãi. Tuy nhiên, cũng có thông tin cho rằng, số tiền chuộc này có thể lên tới hàng triệu USD…

Phương thức thứ tư thường được áp dụng trong những năm 90 của thế kỷ XX, tuy nhiên, do sự thắt chặt các điều luật quốc tế nên nó ít được áp dụng trong những năm gần đây. Bản chất của phương thức này như sau: Hải tặc chiếm đoạt tàu, sau đó tiêu diệt toàn bộ thủy thủ đoàn rồi làm giấy tờ giả và đăng ký cho tàu hoạt động lại (trước năm 1990, việc đăng ký tàu lưu hành với cờ Panama hay Honduras có thể thực hiện rất dễ dàng ở bất cứ một lãnh sự quán Panama hay Honduras nào). Tiếp theo, con tàu đó có thể được bán đi cho chủ khác hoặc nhận được đơn đặt hàng chuyên chở hàng hóa quý nào đó rồi biến đi mất tăm mất tích…

Trong những năm 60-70 của thế kỷ trước đã xảy ra nhiều vụ hải tặc tấn công vào các đô thị ven biển ở Philippines, Sri Lanca và Malaysia. Nhiều khi hải tặc đã sát hại hay bắt cóc các cư dân và thậm chí cả những đơn vị quân đội đồn trú ở đó. Ngoài ra, hải tặc còn được huy động vào các phi vụ chuyên chở ma túy, hàng lậu, vũ khí, buôn người và rất năng nổ trong việc bắt tay với các tổ chức tội phạm khác.

Về mặt lý thuyết có thể hình dung rằng, trong tương lai gần, hải tặc và các băng nhóm tội phạm trên biển có thể sở hữu không chỉ các tàu nổi mà cả các tàu ngầm. Đã ghi nhận được những phi vụ như thế. Những kẻ buôn ma tuý ở Comlumbia cuối những năm 90 của thế kỷ trước đã mưu toan đóng một con tàu ngầm - các cơ quan an ninh tình cờ đã phát hiện ra một căn hầm, nơi bọn tội phạm đang tiến hành đóng nó. Đầu những năm 90 của thế kỷ trước, các cơ quan an ninh Mỹ đã phá được một phi vụ mua tàu ngầm hạng nhỏ từ châu Âu của những kẻ buôn ma tuý tại châu Mỹ Latinh.

Đã có nhiều vụ mà hải tặc sử dụng biện pháp tác chiến như những kẻ khủng bố. Tổ chức Philippines Abu Sayaf năm 2004 đã giết hơn 100 hành khách trên cái phà mà chúng bắt giữ. Abu Sayaf đã biến việc cướp biển thành một trong những nguồn thu nhập chủ yếu của mình…

Rất khó thống kê được những thiệt hại của nền kinh tế thế giới vì cướp biển. Năm 2006, Ngân hàng Thế giới (WB) đã đưa một kết luận rằng, thiệt hại trung bình một năm vì hải tặc ở mức từ 10 tới 20 tỉ USD.

CAND

0 comments

Đăng nhận xét

Cám ơn bạn đã ghé hqson.tk. Bạn có ý kiến thắc mắc hay bình luận gì về bài viết này vui lòng viết ở đây.
Nếu bạn không có tài khoản google, vui lòng chọn "Anonymous" (người dùng nặc danh) "name"(tên hoặc địa chỉ trang web,blog bạn)
Tôi hy vọng bạn sẻ tìm đc nhiều thú vị khi tham quan blog này !...